Home » , » Thăng trầm cây tre

Thăng trầm cây tre

tre việt nam, vẻ đẹp việt
Cây tre

Cây tre đã đi vào văn hoá Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và giặc ngoại xâm. Thế nhưng những năm gần đây, có một thực tế đáng buồn là loại cây đa dạng, thiết thực trong mọi mặt đời sống này đã bị coi nhẹ, bị chặt phá, bị thoái hoá... bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

 Có mặt ở nhiều nước Châu á như ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Philippines, Indonesia từ xa xưa, cây tre cũng gắn bó với người nông dân VN từ nghìn năm rồi. Hình ảnh làng quê VN từ xưa gắn liền với luỹ tre làng - những bụi tre gai ken dày chắn gió bão thiên tai và che chắn cho mỗi làng Việt trước trộm đạo, giặc cướp và kẻ xâm lược - nhân tai. Không thể kể hết tính đắc dụng của tre đối với người nông dân VN: làm nhà cửa (vì kèo, lanh tô, phên liếp, vách tường...), làm vô số vật dụng: cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, cái đó, bè mảng, cái cầu ao và cả những cái cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ. Tre từng được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng: bàn ghế, giường chõng, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh và đôi quang (thứ vật liệu đa dụng để gánh mọi thứ ra đồng và gánh lúa từ đồng về nhà, chưa kể còn được dùng như một thứ “tủ lạnh” thông thoáng để bảo quản thức ăn và chống chó, mèo, chuột hữu hiệu) đến cái khung cửi, cái xa quay sợi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước, cái bừa, cái cào, cái ách khoác lên cổ con trâu cày đến con dao cật nứa cắt rốn lúc chào đời, cái quạt nan, đôi đũa, cái tăm... nhiều thứ vật dụng làm bằng tre còn được dùng đến ngày nay. Đấy là còn chưa nói tới các loại vật dụng của nhà nông, cũng như nhiều loại vũ khí thời xưa của cha ông ta đều có phần cán, phần tay cầm làm bằng một loại cây nào đó thuộc họ tre. Cây gậy tầm vông thời đánh Pháp xâm lược là một chứng tích đã đi vào lịch sử. Cây nêu dựng lên trước cửa nhà vào dịp năm mới thời xưa để trừ ma quỷ, cái ống đựng bút và quản bút lông của các nhà nho mà những năm gần đây về nơi thôn dã ta còn thấy, đến những cánh diều mà hôm nay con trẻ còn chơi... tất cả đều làm từ tre. Vật dụng ngày càng có vẻ thuận tiện hơn, có vẻ đẹp đẽ hơn đã đẩy chúng ta xa rời thứ cây nhiều lợi ích như thế. Thậm chí có một thời ấu trĩ, người ta đã chặt đi những bụi tre gai quanh làng với lý do là chúng làm đất bạc màu. Những rặng tre rợp bóng ở đường làng, nghiêng xuống nơi bờ ao không còn mấy nữa. Nhiều người quên mất rằng bao đời tổ tiên người Việt khai phá đồng bằng Bắc Bộ được như ngày hôm nay là do đắp đê chống lụt, trị thuỷ. Những triền đê được giữ vững trước nước lụt, bão tố, ngoài phần công sức của người Việt xưa bao đời bồi đắp, thì còn có phần công sức của những bụi tre có tác dụng giữ đất, chống xói lở. Nhưng xem ra chỉ có ở VN là cây tre và các loại tre vẫn bị bỏ quên. Hiện nay, khoảng hơn 1.000 loài thuộc họ tre đã được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các nước phát triển ngày càng coi trọng cây tre và ưa thích các loại sản phẩm chế biến từ tre. ở các nước Đông á, nơi được coi là quê hương của cây tre, đang có xu hướng quay trở lại sử dụng loại vật liệu có nhiều đặc tính quý báu này trong mọi mặt của đời sống. Một ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ tre đã ra đời và đang phát triển mạnh ở một số nước Châu Á.

Đi đầu trong những nước này là Trung Quốc. Tre và các loại cây thuộc họ tre phát triển chủ yếu ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, những năm gần đây xuất khẩu hơn nửa triệu mét vuông mỗi năm. VN, đất nước mà cây tre, cây trúc mọc từ ngàn đời, những năm gần đây cũng tiêu thụ không ít chiếu trúc, chiếu tre nhập từ Trung Quốc, và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn!!! Mỗi hécta trồng tre chất lượng cao đem lại thu nhập 15.000 USD mỗi năm cho người nông dân Trung Quốc. Các tác phẩm mỹ thuật tinh xảo được dệt thủ công từ sợi tre (được chẻ nhỏ và chế biến bằng công nghệ hiện đại) xuất sang thị trường Singapore gần đây thật đáng chú ý. Trái với quan niệm trước đây là cây tre làm đất bạc màu, kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu và phát triển sinh thái (trụ sở ở Lugana, Philippines) cho thấy cây tre đã cải tạo thành công ở những vùng đất bị tro núi lửa Pinatubô huỷ hoại. Cây tre có sức sống tuyệt vời ở cả những vùng đất bạc màu, cằn cỗi hay đất bị ô nhiễm. Viên nghiên cứu này cũng khẳng định bộ rễ của cây tre có tác dụng ổn định nhất, chống xói mòn đất, chống xói lở bờ sông, tre mọc ken dày có thể làm giảm cường độ của gió, giảm sự tàn phá của những cơn bão và gió lốc. Người Nhật đã từng trồng thí nghiệm tre trên một vùng đất ở gần Hiroshima -thành phố bị tàn phá bởi bom nguyên tử năm 1945. Cây tre đã đâm chồi trên đất nhiễm phóng xạ ở đây sau khi được trồng vài tháng! Một phương pháp sử dụng chất bảo quản có nguồn gốc thiên nhiên mới cũng được các nhà khoa học Nhật phát minh gần đây, khi mà trong quá trình nghiên cứu xử lý tre dùng làm đồ nội thất và làm thùng chứa, họ vô tình phát hiện một chất có khả năng chống ôxy hoá mạnh có trong vỏ cây tre. Nếu như cây cà kheo bằng tre được người dân miền biển VN sử dụng từ xa xưa để đánh bắt một số loại hải sản, thì ở Australia hiện nay, môn thể thao khá phổ biến là lướt sóng biển bằng ván gần đây có nét mới: loại ván trượt được ưa chuộng được làm bằng tre phủ một lớp nhựa epoxy bằng công nghệ cao.

Đất nước Triều Tiên từ xa xưa cũng đã sử dụng tre, nứa trong đời sống. Loại muối tre có tên là Chukyom được dùng ở nước này từ khoảng 1.000 năm, loại muối này còn được hoà tan vào nước dùng như một thứ thuốc chữa bệnh đau dạ dày. Người ta cho muối vào ống tre, dùng một loại đất sét đặc biệt bịt kín lại rồi nung trong nồi đất kín trong một khoảng thời gian xác định thu được một hỗn hợp. Hỗn hợp này hiện còn được chế biến, đưa cả vào kem đánh răng (hiện đang bán phổ biến trên thị trường VN với tên thương mại là Bamboo Salt). Gần VN hơn là Indonesia, đất nước có nhiều tương đồng với VN về văn hoá. Một số nơi ở nước này, như ở đảo Bali đang phát triển trồng và chế biến tre. Tre đã được sử dụng để làm những căn nhà cao tới 8 m (dùng kèm với các loại vật liệu nhẹ khác) - một dạng nhà kính khung tre, và một số đồ nội thất khác như bàn máy tính bằng tre. Một tổ chức có tên là Tre bảo vệ môi trường đã ra đời ở đảo Bali nhằm cổ vũ cho việc trồng tre và sử dụng sản phẩm từ tre trong đời sống. Tổ chức này hiện có hơn 80 giống tre đã và đang cung cấp rất nhiều cây giống tới nhiều vùng ở Indonesia, cùng với phương pháp chăm sóc tre với những ưu điểm là giá thành thấp, có khả năng chống côn trùng, nấm mốc cho tre. Tổ chức này tin rằng mình đang đi đúng hướng, khi mà hiện nay nhu cầu tiêu thụ gỗ toàn thế giới đang lớn hơn mức cung, và cứ mỗi ngày lại có thêm nhiều cánh rừng biến mất. Cũng dùng tre để làm nhà, nhưng ở Hồng Kông còn có những ngôi nhà cao tới 40 tầng đã được dựng với vật liệu chủ yếu là tre. Trong tương lai gần ở Hồng Kông sẽ mọc lên nhiều ngôi nhà có khung bằng tre đã qua xử lý đặc biệt.

Thái Lan có nhiều nhà máy chế biến sản phẩm tre. Sản phẩm phụ của một số nhà máy như thế lại trở thành nguyên liệu cho dân trong vùng nơi có nhà máy chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày. Tre cũng được trồng từ lâu ở Nepan, ấn Độ, và ngày càng được coi trọng vì độ bền và tính hiệu dụng trong cuộc sống người dân ở đây. Nước ta cũng như một số nước quanh vùng đang sử dụng các cây thuộc họ tre làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp giấy. Đã có một thời, tre và một số cây thuộc họ tre đã được chúng ta phát triển để chế biến XK. Khi thị trường truyền thống với hàng mây tre VN là Liên Xô và các nước Đông Âu không còn, ngành thủ công mỹ nghệ mây tre lạc hậu và công nghệ của ta đã suy sụp. Sau một số năm, khi mà các rặng tre làng đã trở nên “hiếm”, thì tre nứa chỉ còn được dùng chủ yếu làm nguyên liệu giấy và sử dụng với nhu cầu nhỏ ở thôn quê, chỉ một số loại tre trúc được trồng làm cây cảnh được coi là “có giá trị kinh tế”. Gần đây cây tre đã được quan tâm trở lại. Còn việc nghiên cứu cải tạo giống tre trúc không biết bao giờ mới được tiến hành. Phong trào trồng cây luồng ở một số địa phương gần đây là một tín hiệu đáng mừng. Cây tre, loại cây mà có thời gần gũi với người Việt Nam cũng như cây lúa, hi vọng sẽ tìm lại được vị thế xứng đáng của nó.

Theo Đỗ Minh Đức - Diễn dàn doanh nghiệp

1 nhận xét: